Bú mẹ hoàn toàn và kéo dài có làm giảm nguy cơ suyễn và dị ứng ở trẻ không?

Vai trò của sữa mẹ đối với nguy cơ bệnh lý suyễn và dị ứng là một vấn đề được tranh luận khá nhiều trong hơn 70 năm qua. Tuy nhiên vẫn chưa có một câu trả lời chung nào được xác định.

sữa mẹ
Hình ảnh trẻ bú sữa mẹ

Cũng từ vấn đề này, Michael S Kramer và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu tại Belarus từ 12/2002 đến 04/2005 nhằm xác định hiệu quả của việc bú mẹ hoàn toàn và kéo dài đối với nguy cơ mắc suyễn và các bệnh lý dị ứng khác ở trẻ có độ tuổi 6,5 tuổi.

Nghiên cứu được thực hiện trên 17046 cặp mẹ-con từ 31 bệnh viện sản và phòng khám đa khoa trực thuộc, bao gồm nhóm nghiên cứu – được áp dụng chương trình PROBIT (Promote of breastfeeding intervention trial), một chương trình khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và kéo dài – và nhóm chứng, không áp dụng chương trình PROBIT. Trẻ được theo dõi từ lúc mới sinh để ghi nhận thời gian bú mẹ, thời gian bú mẹ hoàn toàn. Đến 6,5 tuổi, trẻ sẽ được đánh giá bằng bảng hỏi của tổ chức ISAAC (International study of asthma and allegies in childhood) và xét nghiệm lẩy da đối với 5 dị nguyên đường hô hấp (mạt nhà, mèo, phấn hoa, cỏ, nấm Alternaria).

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy

• Hiện diện một sự gia tăng rõ rệt tỷ lệ trẻ 3 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn ở nhóm nghiên cứu so với nhóm chứng – điều này đã chứng tỏ hiệu quả của chương trình PROBIT (44,3% so với 6,4%; P<0,001)

• Tỷ lệ trẻ ≤ 12 tháng tuổi còn bú mẹ trong nhóm nghiên cứu luôn luôn cao hơn trong nhóm chứng

Tuy nhiên, tỷ lệ các triệu chứng dị ứng và chẩn đoán dị ứng cũng như tỷ lệ xét nghiệm lẩy da dương tính trong nhóm nghiên cứu không giảm, thậm chí còn cao hơn nhóm chứng từ 2-3 lần sau khi loại các kết quả từ 6 phòng khám đa khoa có tỷ lệ xét nghiệm lẩy da dương tính cao (3 ở nhóm nghiên cứu, 3 ở nhóm chứng).

Kết quả trên đã cho thấy bú mẹ hoàn toàn và kéo dài không làm giảm nguy cơ suyễn cũng như một số bệnh lý dị ứng cho trẻ. Thực tế cũng đã cho thấy trong nhiều năm gần đây mặc dù việc nuôi con bằng sữa mẹ được quan tâm khá nhiều, tỷ lệ trẻ được bú mẹ cũng gia tăng nhưng tỷ lệ các biểu hiện dị ứng lại không hề suy giảm. Kết quả nghiên cứu này cũng gợi ý cho việc đi tìm những biện pháp ngăn ngừa khác đối với suyễn và các bệnh lý dị ứng.

BS Nguyễn An Nghĩa

(Nguồn:  BMJ, 10/2007, 335:815)

Ngày viết:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *