Mặc dù tình trạng tăng bilirubin gián tiếp thường có biểu hiện lành tính, nhưng nếu tăng quá mức sẽ có thể gây ra các biểu hiện thần kinh (kernicterus – vàng da nhân) cho trẻ sơ sinh.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy nếu trẻ sơ sinh xuất viện càng sớm, đặc biệt trong tuần lễ đầu, và nếu không có kế hoạch theo dõi đúng mức, trẻ sẽ càng có nguy cơ rơi vào những tình huống vàng da sơ sinh nặng. Một số yếu tố khác như mức bilirubin máu lúc xuất viện, điều trị vàng da thiếu tích cực, trì hoãn theo dõi sau sinh… cũng có liên quan mật thiết với những trường hợp vàng da nặng và vàng da nhân.
Cũng từ vấn đề này, Fernando và cs đã tiến hành một nghiên cứu trên 11.259 trẻ sơ sinh có cân nặng ≥ 2000 g và tuổi thai ≥ 35 tuần, được chuyển trực tiếp từ phòng sinh đến khoa sơ sinh tại bệnh viện Đại học Campinas (UNICAMP), Brasil. Tất cả các trẻ này trước khi xuất viện sẽ được xác định mức bilirubin toàn phần (BilTP). Tùy theo kết quả ghi nhận được cũng như tùy theo mối tương quan giữa BilTP với biểu đồ Bhutani, các trẻ này sẽ có ngày hẹn tái khám tương ứng trong tuần đầu tiên. Những trẻ có mức BilTP tăng sẽ được theo dõi mỗi 24-72 giờ cho đến khi mức BilTP bình ổn trở lại. Trẻ sẽ được tái nhập viện để điều trị nếu BilTP ≥ 20 mg/dl.
Từ nghiên cứu trên, các tác giả đã thu nhận một số kết quả sau:
- Có 0,7% trẻ phải tái nhập viện để điều trị vàng da sơ sinh. Trong đó, hơn 75% trường hợp có mức BilTP trước xuất viện < 15 mg/dl. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi vàng da sơ sinh ở những trẻ có mức vàng da trung bình lúc xuất viện.
- Chỉ có 2 trường hợp tái nhập viện với mức BilTP ≥ 25 mg/dl, không có trường hợp nào có mức BilTP > 30 mg/dl.
- Tất cả các trường hợp tái nhập viện đều đáp ứng nhanh với liệu pháp chiếu đèn và không có trường hợp nào phải thay máu.
Những kết quả trên đã cho thấy hiệu quả của chương trình trong việc tầm soát và ngăn ngừa tăng bilirubin máu, giúp làm giảm nguy cơ mắc các tổn thương thần kinh cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là thể vàng da nhân; giúp giảm thời gian điều trị; giảm thời gian nằm viện; chi phí điều trị; cũng như giúp trẻ tránh nguy cơ phải thay máu, một biện pháp điều trị vừa gây tốn kém vừa mang lại những nguy cơ tiềm ẩn không hề nhỏ.
(Nguồn: J Pediatr. (Rio J) 2007; 83(4))