Bài viết NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ MỤN được biên dịch bởi Bs. Trương Tấn Minh Vũ từ sách “TÓM TẮT HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ MỤN”.
Mụn trứng cá rất phổ biến ở thanh thiếu niên và thanh niên, nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Gần 85% thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi mụn trứng cá tại độ tuổi này.
Hơn 50 triệu người bị mụn trứng cá ở Hoa Kỳ.
Sẹo vĩnh viễn, ngoại hình kém, trầm cảm và lo lắng có thể là hậu quả của mụn trứng cá. Chi phí điều trị trực tiếp của mụn trứng cá ước tính vượt quá 3 tỷ đô la hàng năm.
Hướng dẫn này tập trung vào kiểm soát mụn trứng cá ở bệnh nhân vị thành niên và người lớn với các phương pháp điều trị khác nhau gồm:
- Điều trị tại chỗ
- Điều trị toàn thân
- Phương pháp vật lý
- Laser
- Liệu pháp quang động (PDT)
Hướng dẫn này không bao gồm việc điều trị các di chứng do mụn trứng cá (sẹo, rối loạn sắc tố sau viêm).
2. CƠ CHẾ BỆNH SINH
Việc tìm hiểu về cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá vẫn đang tiếp tục, có thể liên quan đến sự kết hợp của các yếu tố sau:
- Tăng sừng hóa nang lông.
- Sự phát triển ưu thế của P. acnes.
- Sản xuất bã nhờn.
- Cơ chế gây viêm phức tạp.
- Cơ chế điều hòa thần kinh- nội tiết.
- Chế độ ăn.
- Các yếu tố di truyền.
- Các yếu tố không di truyền.
3. ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN LOẠI
Hệ thống phân loại mụn có thể hữu dụng trong việc chăm sóc bệnh nhân, nhưng hiện tại không có hệ thống chung về phân loại và đánh giá mức độ nghiêm trọng của mụn.
Để thuận tiện hơn trong các quyết định điều trị và đánh giá đáp ứng điều trị, bác sĩ có thể sử dụng một phương pháp đánh giá và phân loại mụn phù hợp dựa trên các đặc điểm sau:
– Số lượng tổn thương mụn trứng cá.
– Loại tổn thương mụn trứng cá.
– Mức độ nghiêm trọng của bệnh.
– Vị trí giải phẫu.
– Tạo sẹo.
– Chất lượng cuộc sống (QOL).
4. XÉT NGHIỆM VI SINH VÀ NỘI TIẾT
4.1.Xét nghiệm vi sinh
KHÔNG khuyến cáo xét nghiệm định kỳ, một số trường hợp có thể được xét nghiệm vi sinh như bệnh nhân có biểu hiện tổn thương giống mụn trứng cá gợi ý viêm nang lông do vi khuẩn gram âm.
4.2.Xét nghiệm nội tiết
KHÔNG nên xét nghiệm định kỳ, mặc dù đánh giá đối với bệnh nhân mụn trứng cá trong phòng thí nghiệm có khuyến cáo thêm dấu hiệu thừa androgen.
5. CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ TẠI CHỖ
5.1.Khuyến cáo
- Benzoyl peroxide đơn độc hoặc kết hợp với kháng sinh tại chỗ cho mụn trứng cá nhẹ.
- Benzoyl peroxide kết hợp với retinoids tại chỗ hoặc điều trị kháng sinh toàn thân cho mụn trứng cá vừa đến nặng.
- Retinoids đơn trị liệu trong mụn trứng cá chủ yếu comedon hoặc kết hợp với kháng sinh tại chỗ hoặc đường uống trong mụn trứng cá hỗn hợp/ chủ yếu viêm.
- Gel dapsone 5% tại chỗ điều trị mụn viêm, đặc biệt ở phụ nữ trưởng thành.
- Axit azelaic điều trị rối loạn sắc tố sau viêm.
5.2.Các lưu ý khác
- Benzoyl peroxide không có khả năng kháng vi khuẩn.
- Kháng sinh tại chỗ KHÔNG được khuyến khích dùng đơn trị liệu do nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.
- Điều trị kết hợp nên được sử dụng ở đa số bệnh nhân mụn trứng cá để nhắm tới các khía cạnh khác nhau của cơ chế bệnh sinh mụn trứng cá.
– Bệnh nhân nên được tư vấn về các rủi ro thai kỳ khi bắt đầu sử dụng retinoid hoặc nếu bệnh nhân nữ muốn mang thai.
– Liệu pháp điều trị mụn trứng cá tại chỗ cho trẻ em dưới 12 tuổi với các sản phẩm đượ c FDA chấp thuận đã mở rộng: Benzoyl peroxide 2,5% + gel adapalene 1% – từ 9 tuổi trở lên, Tretinoin 0,05% gel – từ 10 tuổi trở lên.
– Các liệu pháp tại chỗ có thể duy trì được hiệu quả liên tục trong nhiều tháng sau khi ngừng sử dụng kháng sinh toàn thân.
6. KHÁNG SINH TOÀN THÂN
– Thuốc kháng sinh toàn thân được khuyến cáo sử dụng cho mụn trứng cá viêm vừa đến nặng, kháng lại các liệu pháp điều trị tại chỗ. Chúng nên được sử dụng kết hợp với retinoid tại chỗ và benzoyl peroxide. Khuyến cáo hạn chế sử dụng kháng sinh để giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh.
6.1.Khuyến cáo
– Thuốc uống tetracycline, doxycycline, minocycline, erythromycin, azithromycin, trimethoprim / sulfamethoxazole (TMP / SMX), trimethoprim và cephalexin đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá vừa và nặng, và các dạng mụn trứng cá viêm kháng với điều trị tại chỗ.
6.2.Các lưu ý khác
- Nhóm tetracycline (tetracycline, doxycycline, minocycline) là những kháng sinh toàn thân được ưa chuộng.
- Nên hạn chế sử dụng erythromycin đường uống và azithromycin đối với những người không thể sử dụng tetracyclin như: phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 8 tuổi.
- Nên hạn chế sử dụng trimethoprim-sulfamethoxazole và trimethoprim cho những bệnh nhân không dung nạp được tetracycline hoặc những bệnh nhân kháng điều trị.
- Không khuyến khích sử dụng tất cả các kháng sinh toàn thân khác.
- KHÔNG khuyến cáo dùng kháng sinh toàn thân đơn trị liệu.
- Khi kê đơn kháng sinh toàn thân, nên nhớ vấn đề kháng thuốc của vi khuẩn đang là một mối quan tâm lớn.
- Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) đã nhấn mạnh việc quản lý thuốc kháng sinh:
*Hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong thời gian ngắn nhất có thể, thường là ba tháng, để giảm thiểu sự phát triển kháng thuốc của vi khuẩn.
*Điều trị tại chỗ đồng thời với benzoyl peroxide và / hoặc retinoid nên được sử dụng với kháng sinh toàn thân, cũng như để duy trì sau khi hoàn thành liệu pháp kháng sinh toàn thân.
- Hạn chế sử dụng kháng sinh toàn thân được khuyến cáo do liên quan đến các bệnh lý viêm ruột, viêm họng, nhiễm trùng Clostridium difficile và viêm âm hộ do nấm Candida đã được báo cáo.
7. ĐIỀU TRỊ NỘI TIẾT TỐ
– Thuốc tránh thai đường uống có thể cải thiện tình trạng mụn trứng cá ở phụ nữ. Chúng có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị mụn trứng cá khác.
7.1.Khuyến cáo
– Thuốc tránh thai kết hợp có chứa estrogen điều trị mụn viêm ở phụ nữ.
– Hiện có bốn loại thuốc tránh thai kết hợp được FDA chấp thuận để điều trị mụn trứng cá.
– Giảm mụn trứng cá với các tác nhân này có thể cần nhiều thời gian.
7.2.Các lưu ý khác
– Spironolactone có thể hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá ở một số phụ nữ chọn lọc, mặc dù bằng chứng về hiệu quả của nó còn hạn chế.
– Liệu pháp corticosteroid đường uống có thể hiệu quả tạm thời ở những bệnh nhân bị mụn viêm nặng trong giai đoạn bắt đầu điều trị mụn trứng cá theo tiêu chuẩn.
– Do tác dụng phụ lâu dài nên corticosteroid bị cấm sử dụng như một liệu pháp chính cho mụn trứng cá.
8. ISOTRETINOIN
8.1.Khuyến cáo
- Isotretinoin đường uống được khuyến cáo để điều trị mụn trứng cá nặng dạng nốt.
8.2.Các lưu ý khác
- Isotretinoin dạng uống thích hợp để điều trị mụn trứng cá mức độ trung bình kháng điều trị hoặc mụn trứng cá tạo sẹo và / hoặc có stress tâm lý xã hội.
- Isotretinoin liều thấp có thể được sử dụng để điều trị hiệu quả mụn trứng cá và giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ liên quan đến thuốc.
- KHÔNG khuyến cáo dùng isotretinoin ngắt quãng.
- Theo dõi thường xuyên các xét nghiệm chức năng gan, cholesterol huyết thanh và triglyceride ở thời điểm bắt đầu và lặp lại cho đến khi đáp ứng với điều trị được khuyến cáo.
- Theo dõi định kỳ công thức máu KHÔNG được khuyến cáo.
- Mọi phụ nữ có khả năng sinh con dùng isotretinoin nên được tư vấn cẩn thận về các biện pháp tránh thai khác nhau hiện có, bao gồm cả các biện pháp tránh thai có tác dụng kéo dài.
- Các bác sĩ nên theo dõi bệnh nhân về các dấu hiệu của bệnh viêm ruột, các triệu chứng trầm cảm và hướng dẫn bệnh nhân về những nguy cơ tiềm ẩn với isotretinoin.
9. CÁC PHƯƠNG PHÁP VẬT LÝ VÀ PHƯƠNG PHÁP KHÁC
Có ít bằng chứng khuyến cáo về việc sử dụng và hiệu quả của các phương pháp vật lý để điều trị mụn trứng cá thường xuyên, gồm:
– Lấy nhân mụn.
– Laser PDL.
– Laser KTP.
– Laser hồng ngoại fractionated và non-fractionated.
– Laser fractionated CO2.
– Liệu pháp quang động (PDT).
– Peel axit glycolic.
– Peel axit salicylic.
– Tiêm corticosteroid trong thương tổn có hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá dạng nốt lớn.
10. CÁC LIỆU PHÁP BỔ SUNG/ THAY THẾ
Các liệu pháp thảo dược và thay thế được báo cáo là có giá trị trong việc điều trị mụn trứng cá:
- Tinh dầu trà
- Các hợp chất ayurvedic tại chỗ và uống
- Chiết xuất barberry uống
- Dung dịch gluconolactone
Mặc dù hầu hết các sản phẩm này có vẻ được dung nạp tốt, nhưng có ít dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của các tác nhân này để khuyến cáo sử dụng chúng đối với mụn trứng cá.
11. VAI TRÒ CỦA CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG ĐỐI VỚI MỤN TRỨNG CÁ
- Không có thay đổi chế độ ăn uống cụ thể nào được khuyến cáo trong việc kiểm soát mụn trứng cá.
- Dữ liệu mới cho thấy rằng chế độ ăn có chỉ số đường huyết (GI) cao có thể liên quan đến mụn trứng cá.
- Bằng chứng hạn chế cho thấy một số loại sữa, đặc biệt là sữa tách béo, có thể ảnh hưởng đến mụn trứng cá.