Aspergillus là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ bệnh bạch cầu cấp dòng tủy

Theo các nghiên cứu của Hoa Kỳ và Canada, Aspergillus là tác nhân gặp nhiều nhất trong các trường hợp tử vong do nhiễm trùng ở trẻ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML: acute myeloid leukemia).

Aspergillus
Hình ảnh Aspergillus

Bên cạnh đó, lứa tuổi, chủng tộc và chỉ số khối cơ thể (BMI: body mass index) là các yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến tiên lượng tử vong do nhiễm trùng ở nhóm trẻ này.

Môt trong các nghiên cứu trên đã được BS. Lillian Sung làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng (Hospital for Sick Children), Toronto và các cộng sự tiến hành. Nghiên cứu này khảo sát 492 trẻ bị AML có độ tuổi từ 21 trở xuống (tuổi trung vị 9,6). Đây là những trẻ trong thử nghiệm 2961 của nhóm nghiên cứu ung thư trẻ em, thu thập từ tháng 8/1996 đến tháng 10/1999. Trong 3 pha hoá trị, kết quả thu được như sau:

  • 60% trường hợp được ghi nhận có ít nhất 1 lần nhiễm trùng được ghi nhận bằng xét nghiệm vi sinh học.
  • Nguyên nhân gây nhiễm trùng thường gặp nhất là các cầu trùng gram dương, đặc biệt là tụ cầu có phản ứng coagulase âm tính và liên cầu tán huyết alpha.
  • 11% số trẻ được đưa vào nghiên cứu bị tử vong do nhiễm trùng.
  • Trong các trường hợp tử vong do nhiễm trùng, hai loại vi khuẩn trên cùng những loài CandidaAspegillus là các tác nhân thường gặp nhất, trong đó đứng đầu là Aspergillus.
  • Tử vong do nhiễm nhiều tác nhân gây bệnh chiếm tỉ lệ cao hơn tử vong do nhiễm một tác nhân gây bệnh.
  • So với trẻ có cân nặng bình thường, trẻ thiếu cân có tỉ lệ tử vong cao gấp 3 lần và trẻ thừa cân có tỉ lệ tử vong cao gấp 1,5 lần.
  • Những trẻ không phải người da trắng có nguy cơ tử vong do nhiễm trùng cao hơn.
  • Những trẻ lớn hơn 16 tuổi có nguy cơ tử vong do nhiễm trùng cao hơn so với trẻ từ 2 – 16 tuổi.

Lý giải về kết quả liên quan đến yếu tố BMI, các tác giả cho rằng trẻ thiếu cân hay thừa cân có thể kèm theo những bất thường hay bệnh lý làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng. Hơn nữa, tình trạng suy dinh dưỡng làm giảm khả năng đề kháng với nhiễm trùng hoặc trong vài trường hợp gây ra tình trạng phơi nhiễm với hóa trị ở một cường độ khác làm cho cơ thể bị ức chế miễn dịch nhiều hơn.

Từ kết quả nghiên cứu, BS. Sung nhận định: “Tầm soát cẩn thận và điều trị nhiễm nấm ở trẻ bị sốt, tiếp tục điều trị kháng sinh phổ rộng, ngay cả trong trường hợp đã xác định được nguồn nhiễm trùng, là các mục tiêu quan trọng của điều trị.”

(Nguồn: Blood 2007; 110: 3532-3539. Theo Reuters.)

Ngày viết:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *