Chọc ối và sinh thiết gai nhau là những xét nghiệm được thực hiện trong thai kỳ nhằm khảo sát các bất thường di truyền. Do có tính chất xâm lấn và có nguy cơ làm hư thai nên các xét nghiệm này thường gây lo lắng cho các thai phụ và người thân.
Để có những số liệu chuẩn dùng trong công tác tư vấn và đánh giá kết quả của người thực hiện thủ thuật, các nhà nghiên cứu ở Department of Perinatology, University Clinical Center Maribor, Maribor, Slovenia và Division of Perinatal and Reproductive Medicine, University of Liiverpool, Liverpool Womens Hospital, Liverpool, Anh biên soạn một tổng quan về vấn đề này.
Nhóm nghiên cứu sử dụng nguồn dữ liệu của MEDLINE và tìm được 29 tài liệu về các biến chứng của chọc ối, 16 tài liệu về các biến chứng của sinh thiết gai nhau. Các tài liệu thỏa tiêu chuẩn sau: xuất bản sau 1/1/1995, mẫu nghiên cứu ≥ 100 đối tượng, không phải đa thai, chọc ối sau tuần thứ 14 của thai kỳ, sinh thiết gai nhau qua thành bụng khi thai kỳ được 10 – 14 tuần.
Tỷ lệ hư thai không thay đổi nhiều giữa các nghiên cứu. Sau chọc ối, tỷ lệ hư thai trong vòng hai tuần sau thủ thuật là 0,6%, từ khi thủ thuật đến khi thai kỳ 24 tuần là 0,9%. Tỷ lệ hư thai toàn bộ là 1,9%. Các số liệu tương tự cho sinh thiết gai nhau là 0,7% – 1,3% – 2%. Ngược lại, tỷ lệ chạm thương vào thai và các phần phụ của thai rất thay đổi giữa các nghiên cứu, từ 0,2% đến 2,9% cho chọc ối và từ 1,4% đến 26,6% cho sinh thiết gai nhau.
Chỉ có 5 nghiên cứu liên quan đến chọc ối là có nhóm chứng, nhưng lại không bắt cặp về tuổi thai. Nguy cơ tương đối của hư thai trước tuần thứ 28 và toàn bộ thai kỳ là 1,46 và 1,25. Vì vậy, các nhà nghiên cứu từ Slovenia và Anh kết luận: do nguy cơ hư thai tương đối thấp nhưng chính sự thiếu các nhóm đối chứng trong các nghiên cứu khiến cho việc đánh giá các nguy cơ thật sự của các xét nghiệm tiền sản xâm lấn chưa được đúng mức.
(Theo OBSTETRICS AND GYNECOLOGY, vol. 110, no. 3, 9/2007)