Mối tương quan giữa các dạng phân cắt phôi sớm với sự phát triển in vitro và sự làm tổ của phôi
Gần đây, hệ thống time lapse thu hút được nhiều sự quan tâm trong việc đánh giá và quan sát sự phát triển của phôi tại tất cả các thời điểm nuôi cấy. Hệ thống time lapse giúp loại bỏ nguy cơ stress phôi do thay đổi nhiệt độ, tiếp xúc với ánh sáng, nồng độ oxy cao và thay đổi pH môi trường. Nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang làm tăng tỉ lệ mang thai nên hệ thống này được sử dụng để theo dõi động học phát triển của phôi nhằm cung cấp thông tin giá trị cho việc lựa chọn phôi chuyển giai đoạn ngày 2, 3 hay tiếp tục nuôi phôi đến giai đoạn phôi nang. Ngoài ra hệ thống time lapse còn cho phép quan sát các hiện tượng phát triển của phôi ở các mốc thời gian cụ thể như thời gian phân cắt sớm để lựa chọn phôi có chất lượng tốt và dự đoán tiềm năng phát triển của phôi. Nghiên cứu này được thực hiện để thiết lập một hệ thống lựa chọn phôi không xâm lấn với tiềm năng làm tổ cao trước chuyển bằng cách đánh giá mối quan hệ giữa lần phân chia thứ nhất và thứ hai của phôi với tiềm năng phát triển in vitro và in vivo sau đó bởi hệ thống time lapse.
Nghiên cứu đoàn hệ được thực hiện trên 164 bệnh nhân với 791 phôi từ tháng 4 đến tháng 12/2014 bởi các nhà nghiên cứu người Nhật. Phôi được chia thành 9 nhóm theo số lượng tế bào và mức độ phân mảnh của chúng trong suốt lần phân chia thứ nhất (nhóm A, B, C) và thứ hai (nhóm D, E, F, G, H, I).
Kết quả nghiên cứu cho thấy
– Tỉ lệ hình thành phôi nang và tỉ lệ hình thành phôi nang có chất lượng tốt ở nhóm A và B cao hơn nhóm C (P<0,01); nhóm D, E và H cao hơn so với nhóm F, G và I (P<0,01).
– Tỉ lệ có thai và sẩy thai ở nhóm D, E, H giống nhau khi chuyển phôi ngày 2, ngày 3 và ngày 5.
– Thời gian phân chia lần thứ nhất và thứ hai của phôi nang chất lượng tốt (25,90 và 37,88 giờ) nhanh hơn nhiều so với phôi nang khác (27,10 và 39,78 giờ) hoặc các phôi thất bại khi phát triển thành phôi nang (27,58 và 40,08 giờ).
– Lựa chọn phôi dựa vào thời gian phân chia lần thứ nhất và thứ hai không ảnh hưởng đến tỉ lệ có thai của phôi chuyển ngày 2 và ngày 3. Tỉ lệ có thai sau khi chuyển phôi phân chia sớm (55,8%) cao hơn nhiều so với các phôi khác (32,3%) khi được nuôi và chuyển vào ngày 5 (P<0.05).
Nghiên cứu này cho thấy chuyển phôi nang được hình thành từ phôi 2 tế bào trong lần phân chia thứ nhất và từ phôi 4 tế bào trong lần phân chia thứ 2 không phụ thuộc vào việc có hay không phân mảnh. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy phôi có thời gian hoàn tất phân chia lần thứ nhất và lần thứ hai trong khoảng 25,9 và 37,88 giờ sau nuôi cấy có tỉ lệ có thai cao.
Lê Thị Bích Phượng – Chuyên viên Phôi học
Nguồn: Effects of early cleavage patterns of human embryos on subsequent in vitro development and implantation. Fertility and Sterility 2016.04.020.